Quyết định dừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin của Elon Musk không chỉ dẫn tới sắc đỏ của toàn thị trường tiền điện tử trong một vài ngày vừa qua, mà còn mang đến cho những người quan tâm một góc nhìn mới về tác động của những đồng tiền điện tử đến môi trường.
Chuyện là Elon Musk đã chia sẻ rằng nhu cầu về tiền ảo quá lớn của thị trường đã dẫn tới sự sử dụng nhiên liệu nhiều hơn cho quá trình đào coin, đồng thời dẫn chứng số liệu đến từ Cambridge University để chỉ rõ ra rằng lượng điện được sử dụng để đào coin đã tăng vọt kể từ khi thị trường ghi nhận cơn sốt.
Để chứng minh rằng mình thực sự quan tâm đến môi trường thay vì thao túng giá cả tiền điện tử, Tesla chủ động giữ lại số coin có giá trị 2.5 tỷ đô la Mỹ, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cho phép giao dịch bằng bitcoin khi nào các giao dịch này trở nên thân thiện với môi trường hơn. Vậy thì tại sao Elon Musk lại lo lắng về điều này và có thực sự vị tỷ phú này chủ tâm thao túng thị trường hay không?
Trước hết, tại sao Elon Musk lại lo lắng về chuyện môi trường ở đây? Theo như số liệu đến từ Cambridge Bitcoin Electricity Consumption, toàn bộ thị trường tiền ảo đã và đang tiêu thụ nhiều năng lượng hơn so với những quốc gia như Thụy Điển hay Malaysia. Để hiểu được tại sao việc khai thác các đồng tiền ảo lại tốn nhiều năng lượng như vậy, có lẽ chúng ta nên bắt đầu với công nghệ đứng đằng sau nó, đó là blockchain.
Về bản chất thì sổ cái của Bitcoin không trực thuộc bất kỳ chính phủ hay tổ chức nào, mà hệ thống của nó được liên tục cập nhật bởi một hệ thống máy tính trên toàn cầu. Vì thế, các coin thủ sẽ build những dàn máy chuyên biệt để “đào”, mà “đào” ở đây có nghĩa là dùng những dàn máy nặng về GPU đó để đi xử lý những bài toán phức tạp với mục đích giúp các giao dịch được thông qua.
Những dàn máy này có thể coi như chi phí ban đầu của một mô hình đào coin, và doanh thu của mô hình này đến từ phần thưởng của hệ thống khi bạn giải quyết thành công một thuật toán hashing phức tạp nào đó của nó. Có rất nhiều đồng sử dụng cơ chế này, bao gồm cả dogecoin, một đồng tiền điện tử đã tăng giá mạnh với sự hậu thuẫn của Elon Musk.
Vấn đề thực sự nằm ở chỗ trong phạm vi 3 năm qua, độ khó của những bài toán cho các bộ máy đào coin đã liên tục tăng lên, dẫn đến việc các hệ thống máy móc ngày càng tiêu thụ nhiều điện. Giá của Bitcoin đã tăng khoảng 70% từ đầu năm đến giờ, và qua đó doanh thu của các coin thủ cũng tăng lên, đưa nhiều coin thủ vào thị trường hơn. Khi nhiều người tham gia build phần cứng và sử dụng điện hơn, tất nhiên môi trường sẽ bị tác động. Elon Musk cũng không phải người đầu tiên bày tỏ sự quan ngại về tác động của bitcoin đối với môi trường.
Vào tháng 2 vừa qua, đã có một số tổ chức chia sẻ quan điểm rằng những đồng tiền điện tử này không thực sự hiệu quả về mặt năng lượng khi dùng điện quá nhiều để thông qua các giao dịch. Và vì vậy, câu hỏi chính đáng được đặt ra là bitcoin có thực sự đang làm hại môi trường hay không?
Theo CNBC thì đây là một câu chuyện phức tạp và không thể khẳng định câu trả lời là có hay không một cách quá nhanh được. Một mặt thì đúng là hoạt động khai thác tiền điện tử sử dụng một nguồn năng lượng điện rất lớn. Thị trường Trung Quốc, nơi ghi nhận những hoạt động đào coin diễn ra rất mạnh mẽ, là một quốc gia mà nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên tương đối nhiều. Một số vùng tại Trung Quốc đang có kế hoạch cấm khai thác tiền điện tử vì những hậu quả của nó với lượng tài nguyên của khu vực.
Tuy nhiên, theo một lập luận ngược lại, quá trình khai thác tiền điện tử đã và đang thúc đẩy sự phát triển của các nguồn năng lượng vĩnh cửu, tạo ra sức ép nhất định trong bối cảnh quá trình sản xuất ra những năng lượng này ngày càng rẻ hơn. Đồng thời, việc đào tiền ảo khi đạt đến một giới hạn nào đó về khai thác năng lượng sẽ tự động chuyển dịch sang hướng sử dụng năng lượng một cách thông minh hơn. Vậy thì trước hết, nó phải đạt đến giới hạn đó đã, mà cụ thể là khi các coin thủ không còn thấy thỏa đáng với số tiền điện mà họ bỏ ra mỗi tháng, hoặc khi khai thác tiền điện tử trở thành một ngành công nghiệp ổn định với những sự biến động trong mức giá vừa phải hơn và có tệp người làm ít thay đổi hơn.
Tuy nhiên, để chốt lại vấn đề là liệu khai thác bitcoin có thực sự làm hại môi trường không? Thì câu trả lời thỏa đáng sẽ là “có”. Theo một số chuyên gia về đầu tư, chủ yếu các hoạt động giao dịch của tiền điện tử không nằm trong những hệ thống đào đó, mà chủ yếu đến từ thị trường trao đổi, sang tay.
Vì thế, không thể chối cãi được rằng số năng lượng tiêu đi đang có xu hướng lớn hơn những gì mà các coin thủ nhận lại. Ít nhất trong thời điểm này, đó là những gì chúng ta có thể khẳng định chắc chắn, còn tương lai thì vẫn là chuyện của tương lai. Dù thế nào đi nữa, thì trong thời buổi hiện nay, môi trường là một chủ đề vô cùng nhạy cảm.
Nó đã trở thành lý do cho sự thay đổi trong các sản phẩm khi đến tay người dùng cuối, trở thành một lập luận thuyết phục khi người ta muốn thực hiện hay loại bỏ cái gì đó, nhất là ở quy mô tập đoàn hay trong những lĩnh vực tương đối vĩ mô như công nghệ. Tuyên bố của Tesla vừa giúp họ ghi điểm vì quan tâm đến môi trường, và vừa bắn đi một gợi ý cho các công ty đang phải tìm câu trả lời cho câu hỏi: Liệu có nên chấp nhận thanh toán bằng bitcoin hay không?
Đừng quên ghé thăm TNC News để cập nhật tin tức và những mẹo bổ ích về các sản phẩm công nghệ nhé!
Tin liên quan
Sản phẩm đã xem
Showroom: 172 Lê Thanh Nghị, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: (024) 36288790 / (086) 830.2123
Trung tâm bảo hành: 172 Lê Thanh Nghị, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: (098) 978 1468
Trụ sở (Không bán hàng): 11 Vũ Thạnh - Cát Linh - Đống Đa - Hà Nội
Tel: (086) 8302123
Fax: (024) 36288790