Nếu như anh em còn nhớ, đã gần 1 tháng đã trôi qua kể từ ngày Xiaomi đã tung ra logo mới, các thông tin báo chí cũng đã khai thác đến hết yếu tố marketing trong lần rebrand này của Xiaomi.
Tại bản tin TNC News hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau bóc tách về việc Xiaomi đã làm gì với logo mới của họ, và làm như thế nào. Hy vọng đây sẽ là một case study hay để anh em tham khảo áp dụng vào công việc. Trong thời gian tới, TNC Store cũng sẽ triển khai các tin bài phân tích case study như thế này, rất mong anh em ủng hộ.
Logo mới của Xiaomi mềm mại hơn với các góc được bo tròn, chứ không phải dạng logo vuông với các cạnh sắc như trước đây. Thế nhưng chỉ như thế thôi mà tới 7 tỷ đồng, nhất là khi màu biểu tượng da cam thể hiện cho sự sống động và trẻ trung vẫn được giữ nguyên?
Khi rebrand với một bộ nhận diện thương hiệu mới tinh, với những người làm marketing bình thường, thì ít nhất là logo cần phải truyền tải được một phong cách nhất định nào đó, dựa trên một sự thay đổi có thể thấy được.
Ấy vậy mà chúng ta có thể thấy nếu nói là logo cũ và logo mới của Xiaomi không khác gì cũng chẳng có gì sai. Những thứ mà Xiaomi nói, từ việc như logo mới của họ tạo ra sự cân bằng về mặt hình ảnh, một logo trẻ trung, mềm dẻo và biết thích nghi hơn... đến những cái tên hợp tác với Xiaomi trong dự án này, như Kenya Hara, giáo sư tại trường ĐH Nghệ thuật Musashino và chủ tịch của Nippon Design Center... Tất cả chúng đều là những nguyên liệu hoàn hảo cho một sự đối lập cần thiết của một cuộc rebrand: một chiếc logo chẳng có gì thay đổi, đi kèm với rất nhiều tiền và một bộ sậu toàn những cái tên khủng đứng sau.
Rebrand mà không ai biết thì rebrand chẳng để làm gì, vì vậy rebrand là để cho người ta nói đến, để cho người ta bàn tán. Và Xiaomi đã tạo ra một cái cớ hoàn hảo để đưa thương hiệu của mình lên môi người tiêu dùng, đó là “Xiaomi tiêu tiền kém hơn cả mình – một ông hoặc một bà làm marketing bình thường, sửa đi sửa lại cái brief thiết kế mà sếp vẫn bắt sửa tiếp, lương tháng 7-8 triệu”.
Từ cái cớ hoàn hảo đó, cộng với dòng trích dẫn của CEO Lei Jun: “Bạn có thất vọng vì logo mới của chúng tôi không? Chúng tôi chỉ làm cho nó tròn hơn thôi”, Xiaomi đạt được một hiệu quả to lớn về mặt truyền thông.
Từ ngày 31/3 đến ngày 6/4/2021, Xiaomi thu về 534 lượt đề cập về cuộc rebrand của họ, và mức tăng về lượt mention của họ tăng tới 761% so với cùng kỳ năm ngoái, tức là 7 lần rưỡi. 327 tweet đã được tung ra, cùng với 99 cột tin trên các trang báo chính thức và 76 cột tin trên các diễn đàn. 72% phản hồi của người dùng trong những cột tin này là trung tính, tức là họ chẳng thích, nhưng mà cũng chẳng ghét.
Không được thích hơn, không bị ghét hơn, và Xiaomi đã được nhắc đến nhiều hơn tới 7 lần rưỡi. Và nếu anh em để ý, logo mới được Xiaomi tung ra vào ngày 31/3, tức là chỉ 1 ngày trước ngày Quốc tế nói dối, và điều đó cũng nằm trong những tính toán rất kỹ lưỡng để khuấy động thêm những cuộc trao đổi xung quanh lần rebrand này của thương hiệu Trung Quốc. Như vậy, có thể nói tất cả đã được Xiaomi tính kỹ, từ chiếc logo không thay đổi gì, đến ngày tung nó ra và các chiến dịch đi kèm.
Chẳng thế mà sau những thông tin về cuộc rebrand nói trên, các cột tin Xiaomi bán cháy hàng được chú ý hơn hẳn. Vào ngày 21/4 vừa qua, trên các mặt báo là thông tin rằng 30 nghìn chiếc Mi Mix Fold đã được bán hết ra trong vòng 1 phút, với mức giá 1520 USD, rẻ hơn Samsung Galaxy Z Fold 2 và Huawei Mate X2 500 USD.
Những thông tin từ ngày 5/3 về việc 300.000 chiếc Redmi K40 bán hết trong vỏn vẹn 5 phút cũng đã phần nào đó được đào bới lại và chú ý hơn. Như vậy, chiến dịch kéo dài một tháng của Xiaomi đã đạt được 3 hiệu quả lớn.
Thứ nhất, người ta nhắc về họ nhiều hơn; thứ 2, họ tận dụng thời điểm để đẩy được thông tin về độ hot hàng hóa; và thậm chí là thứ 3, giải đáp được cho các fan về việc khi không làm chính sách giá rẻ nữa thì Xiaomi sẽ làm gì.
Đó là những chiến dịch thông minh, có độ viral trên toàn cầu chứ ko riêng gì trong lãnh thổ TQ, và tất nhiên đi kèm là những sản phẩm đã chịu khó đột phá hơn, có được nhiều cảm tình của người dùng hơn. Không phải vô cớ mà một chiến dịch trông chẳng giống một chiến dịch như thế này đã tốn của Xiaomi 3 năm trời.
Thế nên, có một câu hỏi rất chính đáng được đặt ra là: “Khách hàng có mua sản phẩm của bạn vì logo của bạn đẹp hay không?”, thì có lẽ câu trả lời là không. Với một chiến dịch marketing bình thường, câu chuyện không phải là bạn đã thiết kế được đẹp đến đâu, mà qua thiết kế đó, bạn cho thấy mình khác biệt như thế nào, kể được câu chuyện gì trong lĩnh vực mà mình đang hoạt động và trong cuộc sống bình thường.
Xiaomi đã làm điều này quá tốt, thậm chí còn tốt hơn chính ở chỗ logo của họ chẳng có gì khác biệt cả, và điểm tích cực của nó thậm chí còn nằm ở chỗ khách hàng sẽ không phải làm quen với một bộ nhận diện thương hiệu mới, trong bối cảnh liệu họ có thích bộ nhận diện quá mới hay không vẫn còn là một dấu hỏi to đùng.
Như vậy, nếu chiếc logo mới của Xiaomi chỉ xứng đáng đạt điểm 5/10, thì 11.5/10 có lẽ là con số điểm thỏa đáng để chấm cho nội dung và các chiến dịch phụ trợ xung quanh nó.
Với chiến dịch lần này, điểm thành công nhất của Xiaomi có lẽ không phải là những thứ mình nói ở trên, mà chính là việc khiến người ta phải nhìn nhận Xiaomi từ một nhà sản xuất smartphone giá rẻ và hệ sinh thái đồ tiêu dùng gia đình, trở thành một nhà sản xuất đáng để nói tới, đáng để chú ý về với một cách làm tương tác hay với người dùng, tạo ra cho người dùng một không gian trao đổi lành mạnh và tích cực với sự thông minh của họ. Tức là phạm vi giá trị mà Xiaomi mang lại cho người dùng đã lớn hơn, ko chỉ dừng ở sản phẩm đơn thuần, mà nó đã có yếu tố cảm xúc ở trong đó.
Xiaomi đã làm được một việc mà ai làm marketing cũng hiểu nhưng chưa chắc đã làm được, đó là: một thương hiệu không chỉ là một cái logo. Mỗi lần rebrand là một lần dịch chuyển về giá trị của thương hiệu đó, một sự tiến bộ trong những thứ mà họ có thể cung ứng được cho người dùng, hay một sự thay đổi về triết lý, định hướng. Và bức tranh tổng quan về Xiaomi đã thực sự thay đổi, mà họ còn chẳng cần phải đổi logo.
Đừng quên ghé thăm TNC News để cập nhật tin tức và những mẹo bổ ích về các sản phẩm công nghệ nhé!
Tin liên quan
Sản phẩm đã xem
Showroom: 172 Lê Thanh Nghị, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: (024) 36288790 / (086) 830.2123
Trung tâm bảo hành: 172 Lê Thanh Nghị, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: (098) 978 1468
Trụ sở (Không bán hàng): 11 Vũ Thạnh - Cát Linh - Đống Đa - Hà Nội
Tel: (086) 8302123
Fax: (024) 36288790