Danh mục sản phẩm

Đánh Gía Hiệu Năng 3 Card Đồ Họa GTX 1050 Ti Bán Chạy Nhất Trong Năm 2017

15-05-2023, 3:54 am
3562

    Sự ra mắt của kiến trúc GPU mới nhất của NVIDIA vào tháng 5 năm ngoái, mang tên Pascal, một lần nữa đã tạo ra được sức hút vô cùng lớn đối với giới game thủ và những người đam mê công nghệ trên toàn thế giới. Kiến trúc Pascal đem lại nhiều cải tiến mới, mạnh mẽ, đưa hiệu năng xử lý đồ họa lên một tầm cao mới. Trong số các dòng sản phẩm GPU Pascal được đưa ra, thì nổi bật nhất đó chính là GPU GeForce GTX 1050 Ti, một ứng cử viên sáng giá tại phân khúc card đồ họa tầm trung, đáp ứng được tốt nhu cầu của phần lớn các game thủ hiện nay và trong tương lai.

    Hãy cùng xem thông số kỹ thuật cơ bản mà GeForce GTX 1050 Ti đem lại cho chúng ta nhé:

  • 768 nhân CUDA - kiến trúc Pascal, tên mã GP107
  • Bộ nhớ dung lượng 4Gb GDDR5, độ rộng băng thông 128 bit
  • Base Core Clock: 1290 MHz
  • Boost Core Clock: 1392 MHz
  • Memory Speed: 7 GHz
  • Hỗ trợ: DirectX 12, OpenGL 4.5, Vulkan API, NVIDIA ANSEL, NVIDIA G-Sync, NVIDIA GameStream, GPU Boost 3.0
  • Điện năng tiêu thụ: 75 W
  • Công suất nguồn tối thiểu: 300 W

     Nhìn chung, những thông số kỹ thuật trên là rất đáng giá, chứng tỏ một sản phẩm hiệu năng cao ở phân khúc tầm trung trong mảng card đồ họa hiện nay. Và như thường lệ, những tên tuổi lớn trên thị trường phân khúc linh kiện máy tính lại đưa ra những sản phẩm của riêng họ với những điểm nổi bật khác nhau nhằm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Ngày hôm nay, hãy cùng TNCStore tìm hiểu ba trong số rất nhiều sản phẩm GeForce GTX 1050 Ti hiện có trên thị trường, để xem ngoại hình và hiệu năng của chúng như thế nào nhé ! 

-----------------------------------------------------------

Gigabyte GeForce GTX 1050 Ti OC 4G (GV-N105TOC-4GD)

    Ấn tượng đầu tiên chính là ở vỏ hộp bên ngoài, có màu đen cùng vài nét chấm phá màu xanh NVIDIA quen thuộc, với kích thước không hề lớn. Nổi bật nhất là đôi mắt rô-bốt hiện đại và khá “ngầu”, mang tông màu da cam/vàng đồng chủ đạo. Thương hiệu NVIDIA GeForce GTX, tên GPU GeForce GTX 1050 Ti được thể hiện một cách rõ ràng, giúp người dùng dễ nhận biết sản phẩm trên hộp. Những thông số nổi bật như OC Edition, tản nhiệt thương hiệu Windforce độc quyền của Gigabyte, bộ nhớ 4Gb GDDR5, cùng với các tính năng hỗ trợ như Game Ready Drivers, DirectX 12, NVIDIA GameWorks. 

    Lật sang mặt sau của hộp, sẽ là những giới thiệu cơ bản về hệ thống tản nhiệt hai quạt mang thương hiệu WindForce độc quyền của Gigabyte. Đó là hệ thống tản nhiệt bao gồm 2 chiếc quạt với kích cỡ 80 mm, cùng với thiết kế cánh quạt đặc biệt độc nhất, từ đó đem lại hiệu năng tản nhiệt cao hơn và nhiệt độ hoạt động thấp hơn. Bên cạnh đó, tiện ích ép xung đơn giản mang tên XTREME Utility, cho phép người sử dụng có thể dễ dàng điều chỉnh card đồ họa theo những yêu cầu khác nhau mà không cần phải có kiến thức về việc ép xung; hay việc phải điều chỉnh thủ công một cách phức tạp và khó khăn. Cùng với đó là các thông tin cơ bản của card được thể hiện dưới nhiều ngôn ngữ khác nhau, yêu cầu về nguồn điện, công suất tiêu thụ, các cổng ra hiển thị có trên card, thông tin cụ thể của nhà sản xuất, v.v …

    Khi mở hộp ra, chúng ta sẽ nhận thấy được lớp xốp bảo vệ, cùng với chiếc card đã được bọc sẵn trong bao giấy chống tích điện từ. Mọi thứ có vẻ vẫn ổn cho đến thời điểm này.

    Và không ngoài dự đoán, chiếc card này có kích thước không quá lớn và hầm hố, trông rất gọn gàng đối với một card đồ họa tầm trung hiệu năng tốt. Đúng với những gì đã được giới thiệu tại mặt hộp, hệ thống tản nhiệt Windforce với tông màu đen chủ đạo cùng vài đường nét màu da cam nổi bật lên phía trên, bao gồm 2 quạt kích thước 80mm, cùng logo Gigabyte màu trắng. Chân kết nối vẫn theo tiêu chuẩn PCI-Express 3.0 x16 thịnh hành hiện nay. Card có kích thước 229 mm x 118 mm x 40 mm (dài x rộng x cao). 

    Phần tản nhiệt của card bao trọn lên phần trên của card, và chúng ta cũng có thể nhìn thấy được phần lõi tản nhiệt bằng nhôm màu trắng thông qua vài khe hở. Điểm đáng lưu ý là không có cổng nguồn phụ PCI-Express 6 pin, một điểm cộng cho chiếc card này. Về tổng thể, chiếc card trông khá chắc chắn và bền vững, đúng chất của thương hiệu Gigabyte từ lâu.

    Kết nối xuất màn hình trên model Gigabyte này khá là hiện đại và đầy đủ, bao gồm 1 cổng DisplayPort, 1 cổng HDMI, 1 cổng Dual Link DVI-D. Bạn có thể dùng bất cứ màn hình nào hiện đại với card màn hình này.

-----------------------------------------------------------

MSI GeForce GTX 1050 Ti Gaming X 4G
    Dòng sản phẩm Gaming Series của MSI đã gây ấn tượng với nhiều người, với thiết kế hầm hố và đồ sộ, mang đậm chất game thủ. Điều đó không là ngoại lệ đối với phiên bản NVIDIA GeForce GTX 1050 Ti này. Vỏ hộp tổng thể là màu đỏ tươi đã quá quen thuộc của MSI Gaming Series. Nổi bật ngay giữa vỏ hộp chính là hình ảnh card, với tông màu đỏ đen và hệ thống tản nhiệt độc quyền của series Gaming từ hãng MSI. Thương hiệu Gaming X được thể hiện rõ ràng ở góc dưới bên tay trái. Cùng với đó, tương tự như sản phẩm Gigabyte, các logo NVIDIA GeForce GTX, GeForce GTX 1050 Ti, các công nghệ và tính năng như Game Ready Drivers, DirectX 12, NVIDIA GameWorks cũng được thể hiện trên mặt trước của hộp. 
     Mặt sau của vỏ hộp giới thiệu một cách chi tiết hơn về những thông tin quan trọng của sản phẩm. Có 3 đặc điểm nổi bật được thể hiện. Thứ nhất, đó là đèn LED có thể điều chỉnh màu sắc tùy ý để phù hợp với tổng thể của chiếc PC mỗi người. Thứ hai, và cũng là nổi bật nhất, chính là hệ thống tản nhiệt MSI Twin Froz thế hệ thứ 6, cung cấp vẻ ngoài và hiệu năng xuất chúng và tách biệt so với các dòng sản phẩm cạnh tranh khác trên thị trường, với xung nhịp OC sẵn nhằm tăng cường hiệu năng chơi game ngay từ khi mở hộp. Cuối cùng, là MSI Gaming App, giúp tùy chỉnh hiệu năng card tức thì, điều khiển đèn LED cùng nhiều tính năng đặc biệt khác để đem đến trải nghiệm một cách tốt nhất cho người sử dụng. Ngoài ra, các tính năng nổi bật được hỗ trợ, yêu cầu cấu hình tối thiểu, thông số kỹ thuật cơ bản, cũng được trình bày rất đầy đủ và dễ nhìn cho người đọc. Một điểm cộng đáng có dành cho MSI tại khía cạnh này.
     Khi mở hộp ra, trong đó sẽ là một chiếc hộp nhỏ hơn, chứa card cùng các phụ kiện và giấy tờ đi kèm cần thiết. Các phụ kiện và giấy tờ kèm theo được để trong một chiếc hộp vuông, đặt phía trên card. Lấy được chiếc hộp đó ra, chúng ta sẽ thấy card, cũng được bọc bởi lớp giấy chống tích điện từ. Quả thật, MSI đã đầu tư rất nhiều trong khâu trình bày và đóng gói sản phẩm của mình, tạo ra một ấn tượng lớn đối với người sử dụng khi trải nghiệm “mở hộp”. Thêm một điểm cộng nữa dành cho MSI. 
    Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với phiên bản GTX 1050 Ti Gaming X này, đó chính là truyền thống dòng sản phẩm Gaming Series của MSI vẫn được giữ nguyên vẹn – tông màu đỏ đen cùng kích thước card lớn và rất hầm hố, đem lại một cảm giác đẳng cấp cũng như chất lượng cao về mọi mặt từ thiết kế đến các linh kiện của chiếc card. Card có kích thước 229 mm x 131 mm x 39 mm (dài x rộng x cao), cũng chiếm 2 slot, to hơn khá nhiều so với chiếc card Gigabyte. Kết nối PCI Express 3.0 x16 vẫn hiện diện. Cùng với đó, một chiếc ống đồng ở heatsink có kích thước 3mm hiện lên ở phía trên của card.
     Logo LED MSI hiện diện trên mặt trên card, cùng với đó là hình ảnh của heatsink bằng đồng sơn màu trắng bạc, và cổng nguồn PCI-Express 6 pin.  
    Cũng không có khác biệt gì so với card Gigabyte, phiên bản Gaming X của MSI cũng bao gồm 3 cổng kết nối màn hình, bao gồm 1 cổng DisplayPort, 1 cổng HDMI, 1 cổng Dual Link DVI-D. Có vẻ đây là xu thế chung của các card đồ họa tầm trung hiện nay. 
-----------------------------------------------------------
Galax GeForce GTX 1050 Ti EXOC 4G
    Khác với hai sản phẩm trên, Galax đã lựa chọn một thiết kế hộp sản phẩm khá mới lạ, đó là chiếc hộp có hình chữ nhật dài. Tông màu hộp mà màu nâu vàng đen, với hình ảnh một nhân vật trông đậm chất “sát thủ” – cùng với dòng câu hỏi khá khiêu khích “What’s your game?”. Ngoài ra, trên hộp còn có các thông tin model đầy đủ - GTX 1050 Ti EXOC, cùng các thông số cơ bản như bộ nhớ 4Gb GDDR5, đầu cấp nguồn PCI-Express 6 pin, khe cắm PCI-Express 3.0, các cổng ra màn hình bao gồm 2 cổng Dual Link DVI-D, 1 cổng HDMI và 1 cổng DisplayPort 1.4.
     Phía đằng sau của hộp là những phần thông tin giới thiệu cụ thể hơn về sản phẩm cũng như thương hiệu. Như việc biến chiếc máy tính của bạn trở thành một rạp hát tại gia, Windows tận dụng card để xử lý hình ảnh, hỗ trợ ra nhiều màn hình, hiển thị tại độ phân giải 4K Ultra HD. Cùng với đó là các tiện ích mà card đem lại. Ngoài ra, mặt sau hộp còn chứa các thông tin như: thành phần sản phẩm trong hộp, thông tin nhà sản xuất, các quy chuẩn, v.v…
     Thông tin cụ thể hơn của sản phẩm được in rất đầy đủ và chi tiết ở phần mặt dưới hộp – như các tính năng chính quan trọng, yêu cầu cấu hình tối thiểu … Bên cạnh đó, còn có các thương hiệu hình ảnh quen thuộc của NVIDIA, GeForce GTX và GeForce Experience.
     Sản phẩm của Galax được đóng trong hộp riêng, màu đen tuyền. Bên trong là chiếc card được bao bởi lớp giấy chống tích điện từ, và một adapter chuyển từ cổng 4 pin Molex sang PCI-Express 6 pin, cùng với 1 cái đĩa CD driver và phần mềm (thôi cứ lên mạng mà down cho nó lành).
     Card có kích thước trung bình, khá giống với card Gigabyte, không thật sự quá hầm hố. Tản nhiệt màu đen cùng vài đường nét màu xanh dương làm nổi bật lên phần tản nhiệt của card. Hai quạt tản nhiệt kích thước 80 mm. Tấm tản nhiệt bằng nhôm kích thước tương đối lớn so với bo mạch card, cùng một ống đồng heatpipe tản nhiệt ở phía trên. 
     Ta có thể nhìn thấy được phần nhựa của tản nhiệt bao lên phía trên, cùng với ống heatpipe bằng đồng. Ngoài ra chúng ta vẫn có thể thấy đầu nguồn PCI-Express 6 pin hướng lên phía trên card, tương tự như chiếc card MSI Gaming X mà chúng ta đang cùng tham khảo.
    Có một sự thay đổi khá thú vị ở đây, khi chúng ta có thể thấy được có đến 2 cổng Dual Link DVI-D, và vẫn 1 cổng DisplayPort và 1 cổng HDMI. Như vậy là nhu cầu dùng đa màn hình ở phiên bản Galax EXOC hoàn toàn có thể đáp ứng được.

-----------------------------------------------------------

So sánh tổng quan bên ngoài

    Tựu chung, thì cả ba sản phẩm đều có những nét riêng biệt của mình, đồng thờ đã thể hiện được đặc trưng và phong cách thiết kế sản phẩm của từng hãng. Tùy vào sở thích của mỗi người, mà có thể lựa chọn một chiếc card sao cho phù hợp nhất với tổng thể của máy, hay đơn giản là muốn chiếc card là linh kiện nổi bật nhất trong case. Tuy nhiên, cũng phải công nhận một điều rằng, phiên bản MSI Gaming X thật sự nổi trội hơn về bề ngoài, cũng như cách đóng gói và trình bày sản phẩm trên hộp cầu kỳ và công phu hơn so với 2 sản phẩm còn lại. Galax EXOC cũng có một chiếc hộp được chăm chút hơn một ít đỉnh so với Gigabyte OC, đó cũng là một điều đủ làm nên khác biệt. Dù sao cũng là phân khúc tầm trung rồi, tội gì không đầu tư nhỉ ? 

    Chấm điểm MSI: 9/10 – Gigabyte: 8/10 – Galax 8/10

-----------------------------------------------------------

So sánh hiệu năng
    Dưới đây là bảng tổng kết thông số kỹ thuật của cả 3 card, cùng với thông số tiêu chuẩn mà NVIDIA đưa ra đối với GPU GeForce GTX 1050 Ti:
    Có 1 điều dễ dàng nhận ra, khi mà thông số kỹ thuật của cả ba card đều nhỉnh hơn so với bản gốc của hãng sản xuất NVIDIA đưa ra. Mức Core Clock đều cao hơn khá nhiều, đặc biệt với 2 chiếc card MSI và Gigabyte còn có 2 mode khác nhau được định sẵn, giúp cho người dùng có thể dễ dàng tùy chỉnh theo nhu cầu sử dụng. Thậm chí, với chiếc card MSI, còn có một mode nữa là Silent Mode (Boost Core 1392 MHz/Base Core 1290 MHz – trùng với tiêu chuẩn của NVIDIA), với thông số còn giảm xuống nữa để có thể hoạt động một cách êm ái nhất với tốc độ quạt giảm đén mức tối thiểu, hoặc thậm chí quạt không quay nếu như mức nhiệt độ thấp xuống mức cho phép. Tốc độ bộ nhớ đều ở mức 7 GHz, duy chỉ với OC Mode của bản MSI Gaming X được nhận thêm 100 MHz, có vẻ là không đáng kể cho lắm nhưng được thêm chút hiệu năng đỉnh nào dù sao cũng sẽ tốt. Chấm điểm Gigabyte: 8.5/10, MSI: 9/10, Galax: 8.5/10
    Còn bây giờ, sẽ đến phần test hiệu năng game của ba sản phẩm GTX 1050 Ti lần này. Cấu hình máy tính được dùng để test, cụ thể được sử dụng như sau:
    • Mainboard Asus Z170
    • Ram 16Gb DDR4 Kingston HyperX Fury
    • HĐH Windows 10 Anniversary Edition 64 bit
    • Trình điều khiển NVIDIA ForceWare phiên bản 375.63 WHQL 
    Và đây là các kết quả thu được với ba tựa game: Battlefield 4, Rise of the Tomb Raider, Far Cry Primal:
    Với thế mạnh là một chiếc GPU tầm trung có hiệu năng cao, đáp ứng được tốt nhu cầu chơi game ở độ phân giải Full HD 1080p, nên tất cả 3 card được test ngày hôm nay đều đem lại hiệu năng khá tốt. Chênh lệch chỉ ở mức 1 FPS quả thực là không đáng kể, vì thế có thể kết luận rằng cả ba sản phẩm này đều đáp ứng được nhu cầu chơi game tốt. Chấm điểm 9/10 cho cả ba sản phẩm. (Lưu ý là 2 card Gigabyte và MSI được test với chế độ Gaming Mode).

-----------------------------------------------------------

Kết luận:

    Đúng với những gì mà NVIDIA đã khẳng định, dòng sản phẩm GeForce GTX 1050 Ti quả thực là một lựa chọn vô cùng sáng giá trong phân khúc tầm trung. Nếu như nhu cầu chơi game của bạn chỉ gói gọn trong màn hình có độ phân giải Full HD 1080p đang hết sức phổ biến hiện nay, thì GTX 1050 Ti đáp ứng rất tốt yêu cần đó. Các tựa game mới hiện nay hay các tựa game eSports phổ biến đều có thể được tận hưởng một cách trọn vẹn. Ba sản phẩm được lựa chọn ngày hôm nay đều có những điểm sáng riêng, lựa chọn ra sao là hoàn toàn phụ thuộc vào mức giá cũng như yêu cầu về từng khía cạnh của người dùng. Dưới đây là nhận định tổng quát về từng sản phẩm:

  • Gigabyte OC: Thiết kế tầm trung, không có gì quá nổi bật, phải chăng thì đó là sắc cam khá lạ mắt và thu hút. Xung nhịp xử lý của card có thấp hơn một chút so với hai sản phẩm còn lại, nhưng hoàn toàn có thể bù đắp bằng việc OC thủ công, không phải là vấn đề quá lớn. Tản nhiệt Windforce 2 quạt khá ổn định và đã là thương hiệu có tiếng của chính Gigabyte. Điểm cộng lớn nhất chính là việc không đòi hỏi một cổng nguồn phụ PCI-Express 6 pin. Lựa chọn hợp lý nếu bạn yêu thích những gì mà Gigabyte đem lại trong thời gian qua, đó là độ bền và sự ổn định.
  • MSI Gaming X: Một lần nữa sản phẩm thuộc dòng Gaming Series của MSI tạo được thiện cảm đối với người tiêu dùng. Từ nội dung và trình bài của vỏ hộp, cũng như mọi yếu tố mà sản phẩm mang lại, từ thiết kế đến tính năng và hiệu năng. Nếu bạn không ngần ngại chi tiêu cho một chiếc card 1050 Ti chất lượng cao, thì phiên bản Gaming X này của MSI là một lựa chọn không thể bàn cãi.
  • Galax EXOC: Với một cách tiếp cận sản phẩm khá là đặc biệt, nếu như so với những thương hiệu khác có truyền thống hơn đang hiện diện trên thị trường. Hệ thống tản nhiệt cũng không có quá nhiều khác biệt với 2 sản phẩm trên, hoạt động hiệu quả và êm ái. Nếu bạn thích một sản phẩm giá rẻ, đơn giản không phức tạp, mà hiệu năng về nhiều mặt vẫn không thua gì các sản phẩm của thương hiệu lớn hơn, thì phiên bản EXOC của hãng Galax là sự lựa chọn hàng đầu.

    Các sản phẩm hiện đang được bán tại TNC Store, cụ thể như sau:

  • Gigabyte GeForce GTX 1050 Ti OC 4G – tham khảo tại đây
  • MSI GeForce GTX 1050 Ti Gaming X 4G – tham khảo tại đây
  • Galax GeForce GTX 1050 Ti EXOC 4G – tham khảo tại đây


Có thể bạn quan tâm:

>>> Card Màn Hình Gigabyte Geforce RTX 3060 Gaming OC 12G (LHR)

>>> Cấu hình PC chơi Game Max Setting 60FPS chỉ 10 triệu: Có GTX 1050/1050Ti, có SSD, có pentium đạt mức i3-level, TẠI SAO KHÔNG?

>>> GPU của AMD tiết kiệm điện năng? Radeon 7000 series nói “Quên đi”!

Chia sẻ bài viết:

Tin liên quan

Bài viết đang được cập nhật.....!

Sản phẩm đã xem

icon-zalo