Đừng quên ghé thăm TNC News để cập nhật tin tức và những mẹo bổ ích về các sản phẩm công nghệ nhé!
Bài viết này sẽ giúp anh em trả lời các câu hỏi sau: Thiếu hụt linh kiện bán dẫn là gì, đến từ đâu, để lại hậu quả như thế nào? Liệu việc thiếu hụt linh kiện bán dẫn có kết thúc trong thời gian ngắn hay không? Câu chuyện thiếu hụt linh kiện bán dẫn sẽ kết thúc như thế nào?
Thiếu hụt linh kiện bán dẫn là gì, đến từ đâu, để lại hậu quả như thế nào?
Linh kiện bán dẫn là thứ không thể thiếu với các con chip hay những sản phẩm giúp chúng ta kết nối, vận chuyển, đi lại và giải trí. Thế nên nếu nguồn cung của nó không đủ, một thế giới đang phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Câu chuyện nguồn cung không đủ này đã càn quét qua rất nhiều thị trường kể từ mùa hè năm ngoái, bẻ gãy sự tiếp cận của chúng ta đối với những linh kiện cần thiết, khiến nhiều nhà trường không thể cung ứng đủ thiết bị để học sinh có thể học tập ở nhà trong bối cảnh dịch bệnh, và “delay” sự ra mắt của những sản phẩm công nghệ top đầu.
Tất cả những chuyện này đến từ đâu, liệu có phải là do dịch bệnh hay không? Đúng, vì dịch bệnh thì dẫn đến cách ly, cách ly thì dẫn đến đóng cửa nhà máy, và khi các nhà máy rục rịch mở cửa trở lại thì họ phải đối mặt với một mớ order chất chồng.
Nhu cầu linh kiện bán dẫn chưa từng bùng nổ như vậy trong nhiều năm qua, không ai kỳ vọng 2020 và 2021 sẽ là 2 năm nở rộ dữ dội về nhu cầu của thị trường sau cả một thập kỷ xuống dốc. Những cuộc lockdown đã khiến cho người đi làm và người đi học cùng ở nhà, họ cần thiết bị để phục vụ cho công việc và học tập; sau khi đụng vào thiết bị rồi thì họ còn cần những thiết bị khác, vì họ được tạo điều kiện để thấy rằng: “Mấy cái đồ công nghệ này cũng hay ghê”.
Ảnh hưởng lên ngành sản xuất ô tô
Các nhà máy sản xuất ô tô đang rục rịch đóng cửa vì không có đủ chip để hoàn thiện những phương tiện đi lại ngày càng trở nên giống một cái máy tính di động này. Vấn đề vừa xảy ra với kênh đào Suez khoảng 1 tuần trước còn bóp nghẹt đường đi của các con chip theo chiều từ châu Á đến châu Âu. Hậu quả của nó là ngày càng có nhiều khách hàng chấp nhận yên phận với chiếc ô tô mình không muốn, dàn máy mình không muốn hay phải trả nhiều tiền hơn cho những thứ mà mình muốn. Hậu quả của nó đối với cả ngành công nghiệp sản xuất ô tô là mức độ thất thoát 60 tỷ đô la Mỹ doanh thu vào nửa đầu năm 2021.
Ford, General Motors, Fiat, Volkswagen hay Honda là những cái tên bị ảnh hưởng nhiều nhất ở thị trường sản xuất ô tô. Trên một chiếc ô tô, chúng ta có đủ thể loại hệ thống trên đời, từ máy móc động cơ, đến điều hòa, sưởi, loa liếc giải trí tất cả các thứ; và khi nhà sản xuất chỉ thiếu đi một phần linh kiện thôi, bất chấp linh kiện đó nhỏ thế nào, thì họ cũng không thể hoàn thiện sản phẩm và đưa nó đến tay khách hàng được.
Ảnh hưởng lên ngành PC, smartphone, console… một cách sâu rộng
Cùng lúc đó thì nhu cầu sản xuất của bản thân các tập đoàn cũng lên cao. Sony và Microsoft cùng lúc tung ra thế hệ game console rất được trông chờ của họ là PlayStation và Xbox đời mới, các nhà mạng ôm tham vọng phủ sóng dịch vụ 5G siêu tốc trên toàn cầu, trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung không êm đẹp dưới thời Donald Trump còn khiến cho sự vận chuyển công nghệ chậm đi đáng kể.
Trong khi đó, Sony khẳng định sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường console trong năm nay. Samsung thậm chí đã phải công bố rằng họ hoàn toàn có thể phải lùi lịch ra mắt các dòng smartphone cao cấp của họ trong năm 2021. Hãy nhớ đây là Samsung, đây là nhà sản xuất chip lớn thứ 2 trên thế giới, tiêu thụ 36 tỷ đô và bán đi 56 tỷ đô tiền chip mỗi năm, giờ lại phải tạm cắt đi cánh tay phải của chính mình.
Vào tháng trước, CEO của Acer là Jason Chen cũng đã thẳng thắn chia sẻ về việc Acer đang gặp áp lực về việc tìm ra điểm cân bằng giữa cầu và cung, đồng thời các nhân viên cũng phải làm việc hết công suất để đuổi kịp các diễn biến của thị trường.
Dù dự đoán 2021 là một năm tăng trưởng, nhưng ông Chen cũng khẳng định kể cả chuyện thiếu hụt linh kiện bán dẫn tạm thời chưa ảnh hưởng đến việc sản xuất CPU hay GPU, nhưng một bộ máy PC cũng không thể nào hoàn thiện nếu thiếu những chip thành phần chỉ có giá nửa đô la Mỹ, và đó mới chính là những gì mà các nhà sản xuất PC hiện nay đang quan tâm, cũng chính là thứ mà theo CEO của Acer là chưa từng có tiền lệ trong ngành công nghiệp sản xuất chip máy tính. Vậy những con chip sản xuất hết có nửa đô sẽ nằm ở đâu?
Nó sẽ là những vi mạch hoặc các chi tiết rất nhỏ nằm trong những thành tố như Wifi, chip quản lý điện năng, cảm biến hình ảnh, những yếu tố hiển thị hay audio.
Trong khi đó, Lenovo lại tỏ ra lạc quan khi họ nhìn nhận nhiều hơn vào tốc độ tăng trưởng của tập đoàn trong bối cảnh hàng sản xuất ra là đi ngay lập tức. Họ cho rằng hành vi mua hàng của khách hàng đã thay đổi, và với tư cách market leader, Lenovo cho rằng họ hoàn toàn có thể sống tốt trong tình cảnh hàng tồn kho chỉ đủ xuất trong có chỉ 2 tuần mà thôi.
Về gear nói chung, thì headphone là ngành hảng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bằng chứng là trong năm 2020, có rất nhiều các dòng headphone được hứa là sẽ ra mắt vào ngày x chẳng hạn, nhưng chúng ta chỉ có thể mua nó hàng tuần hoặc hàng tháng sau cái ngày x đó.
Tại CES 2021, thời điểm ra mắt của các dòng sản phẩm nói chung và headphone nói riêng đều có phần nào đó “mập mờ” hơn so với trước đây, khi mà nhà sản xuất cũng không đảm bảo được tiến độ của họ. Theo kiểu như thay vì nói sản phẩm A ra mắt vào tháng 5 tới, thì họ nói là “sẽ lên kệ vào mùa thu đông năm nay” ấy. Ngành hàng headphone không gặp khó khăn trong việc cung ứng các sản phẩm đã có sẵn, nhưng tương đối chật vật trong việc cung ứng đủ hàng mới đúng thời hạn.
Thế giới đã từng có tiền lệ thiếu hụt bán dẫn như thế này hay chưa?
Những diễn biến xảy ra trong năm 2021 thực sự đưa chúng ta trở về năm 2011 với một trận động đất nổi tiếng tại Fukushima, Nhật Bản. Renesas nằm ở không xa Fukushima, là một công ty với danh tiếng ở mức khá, cuối cùng lại là một nhà sản xuất chip bắt tay với rất nhiều đối tác lớn trên toàn cầu.
Việc Renesas phải đóng cửa nhà máy đã kéo tụt sản lượng ô tô xuất đi trên toàn cầu ở mức 25%. 10 năm trước, câu chuyện thiếu hụt bán dẫn này đã khiến cho cả thế giới mất rất nhiều tháng để khôi phục lại các dây chuyền sản xuất ô tô sao cho về với sản lượng cũ.
Khi đó, tất cả các công ty sản xuất ô tô đều nói rằng: Chúng tôi đã học được bài học của mình, và biết mình còn đang thiếu sót ở đâu, chuyện này chắc chắn sẽ không xảy ra nữa. Như anh em thấy, 10 năm sau, chuyện này xảy ra trở lại.
Giải pháp cho câu chuyện thiếu linh kiện bán dẫn?
Vậy thì cách khắc phục của các tập đoàn và các chính phủ hiện nay đối với tình trạng này là như thế nào? Sẽ không có một giải pháp nào mang lại hiệu quả một cách nhanh chóng cả, nhưng gần như tất cả các nhà sản xuất đều đang vào đà để có thể khắc phục vấn đề từng bước một.
Đầu tiên là Intel, họ đã phát đi một thông điệp về sự yên tâm chờ đợi cho khách hàng, khi chính thức công bố kế hoạch đầu tư 20 tỷ đô la Mỹ vào 2 nhà máy mới ở Arizona để cùng lúc vừa sản xuất chip in house và vừa sản xuất chip cho đối tác, anh em có thể xem lại video tuần trước. Đây có thể coi là một bước chuyển dịch lớn cho công ty thống trị thị trường sản xuất chip PC trong nhiều năm, họ đã mở cửa hơn, và phần nào đó là giống với những tập đoàn như TSMC hơn.
Với TSMC, họ cũng đã xây dựng nhà máy ở Arizona, duyệt chi 100 tỷ đô la Mỹ trong phạm vi 3 năm tới để mở rộng khả năng sản xuất chip của mình, và trong năm nay, bước đầu TSMC sẽ chi 28 tỷ đô để thỏa mãn nhu cầu đang tăng cao của thị trường.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden sẽ chi 50 tỷ đô để giúp cho đất nước này ít phụ thuộc vào nguồn cung chip từ nước ngoài hơn. Đây cũng là một hành động cần thiết đến từ phía Mỹ, khi thị phần trên thị trường sản xuất chip của họ đã giảm từ 37% trong năm 1990 xuống chỉ còn 12% vào thời điểm 30 năm sau đó. Chương trình của Mỹ có tên là Chips for America, thúc đẩy sản xuất trong nước, và không chỉ có vậy, Tổng thồng Biden cũng đang có ý định cải thiện hạ tầng công nghệ dành cho những mảng như vũ trụ hay hệ thống quân đội. Tuy nhiên, tất cả những điều này đều rất tốn thời gian.
Cùng lúc đó, Trung Quốc, dưới ngọn cờ đầu là Huawei, đã nhập khẩu chip đủ các loại với tổng giá trị lên tới 380 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, chiếm 1/5 sản lượng nhập khẩu của cả nước này vào năm ngoái. Nước đi này cũng đã phát động cuộc đua tích trữ chip bán dẫn ở cả quy mô công ty – tập đoàn và quy mô quốc gia.
Khi bế tắc, các công ty có xu hướng bắt tay với nhau để cùng vượt qua khủng hoảng hơn là cạnh tranh. Qualcomm, TSMC và Samsung Electronics đang outsource người và nguồn lực của nhau để cùng tạo ra những dòng chip bán dẫn tiên tiến nhất. Phải đến nửa sau của năm 2021 thì AMD mới có thể tập trung sản xuất đủ số chip bù lại cho phần còn thiếu. Nvidia, như chúng ta đã thấy, đang hồi sinh lại những dòng GPU cũ để tận dụng lại những dây chuyền sản xuất có sẵn và phần nào đó xoa dịu các diễn biến của thị trường.
Vậy nên trong thời điểm này, những gì anh em ta có thể khuyên nhau là hãy tiếp tục thật kiên nhẫn và linh động với những lựa chọn của mình. Nếu anh em là những người linh động, hãy tìm những sản phẩm gần với sản phẩm mục tiêu của anh em, ở cùng tầm giá đó. Còn nếu anh em thực sự muốn một thứ đồ nào đó, chúng ta chỉ có cách chờ đợi mà thôi.
Đừng quên ghé thăm TNC News để cập nhật tin tức và những mẹo bổ ích về các sản phẩm công nghệ nhé!
Sản phẩm đã xem