Sau khi AMD cho ra đời FidelityFX Super Resolution (FSR) để thách thức DLSS của Nvidia, tới lượt Intel chuẩn bị gia nhập cuộc chơi về công nghệ nâng cấp hình ảnh với Intel XeSS. Vậy công nghệ mới này là gì, và điều gì khiến nó trở thành một đối thủ của DLSS trong tương lai?
XeSS hay Xe Super Sampling là một tính năng nâng cấp hình ảnh mới của Intel. Lần đầu tiên khái niệm XeSS được nhắc tới là vào khoảng hơn nửa năm trước, và kể từ đó tới giờ Intel khá kiệm lời trong việc rò rỉ thông tin về công nghệ mới của mình.
Về cơ bản, XeSS có chức năng tương tự với DLSS của Nvidia. Nó hiển thị hình ảnh game ở độ phân giải thấp hơn, sau đó nâng cấp chất lượng hình ảnh bằng cách sử dụng cơ chế machine learning, giúp hình ảnh trở nên rõ nét hơn mà vẫn không làm ảnh hưởng tới hiệu suất của card đồ họa.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa XeSS với DLSS là nó có thể hỗ trợ nhiều loại card đồ họa khác nhau, trong khi DLSS chỉ có thể hỗ trợ các dòng card đồ họa của Nvidia. Ngoài ra, theo những thông tin bên lề, có vẻ như XeSS còn có thể mở rộng độ phân giải đầu vào với 5 chế độ hình ảnh so với công nghệ FSR của AMD với chỉ 3-4 chế độ hình ảnh.
Rất nhiều người kỳ vọng rằng XeSS sẽ ra mắt cùng với GPU Arc Alchemist để tạo nên một cặp “song kiếm hợp bích” của Intel trong năm 2022 này. Thậm chí dư luận còn đặt kỳ vọng rằng XeSS sẽ cùng với DLSS và FSR tạo nên một thế chân kiềng trong cuộc cạnh tranh về công nghệ nâng cấp hình ảnh.
Thực chất cách vận hành của Intel XeSS không quá khó hiểu. Thay vì chạy game ở chế độ gốc (chẳng hạn 4K) thì nó sẽ chạy nhiều đầu vào ở những độ phân giải thấp hơn (ví dụ như 2K hay 1080p). Những dữ liệu này sẽ được đưa vào công cụ nâng cấp (upscaling engine) của XeSS, bao gồm cả mô hình A.I để thực hiện việc nâng cấp hình ảnh.
Đối với những chi tiết cụ thể, XeSS sẽ lấy những thông số về độ sâu, chuyển động, màu sắc và ánh sáng trong game. Sau khi thực hiên nâng cấp, kết quả chỉnh sửa của các thông số trên sẽ được lưu trũ trong bộ nhớ của XeSS. Dữ liệu bộ nhớ này sẽ được XeSS sử dụng cho các khung hình tiếp theo, và quy trình upscaling cứ thế diễn ra.
Song song với quá trình nâng cấp hình ảnh, XeSS cũng sẽ chạy tính năng temporl antu-aliasing (TAA) để “tỉa tót” lại những phần răng cưa trong khung hình. Hay nói cách khác, XeSS sẽ thay thế luôn bước khử răng cưa truyền thống khi kết hợp nó với bước nâng cấp hình ảnh. Kết quả cuối cùng là PC của anh em vẫn có thể xuất hình với chất lượng hình ảnh gốc (4K) nhưng với hiệu năng cao hơn nhiều.
Công nghệ lõi để thực hiện công việc nâng cấp hình ảnh này chính là machine learning. Các card đồ họa Intel Arc Alchemist bao gồm các nhân Xe Matrix Extension (XMX) chạy mô hình A.I để tiến hành nâng cấp. Các nhân này tương tự như nhân Tensor của Nvidia RTX 30-series và sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi được kết hợp với XeSS.
Tuy nhiên, XeSS cũng có thể hoạt động tốt mà không cần nhân XMX. Nó có thể kết hợp tốt với những card đồ họa hỗ trợ tập lệnh DP4a, vốn sẽ giúp ích rất nhiều cho các tác vụ A.I. Chính vì vậy XeSS không nhất thiết phải “đóng đinh” với Arc Alchemist hay những dòng card trong tương lai của Intel. Hiện tại RX 6000 – dòng card mới nhất của AMD hay cả những thế hệ GPU trước đây của Nvidia đều có hỗ trợ DP4a, có nghĩa là về lý thuyết chúng đều có thể kết hợp được với Intel XeSS.
Intel chưa chính thức công bố về ngày phát hành của XeSS. Trước đây, XeSS cùng GPU Arc Alchemist được kỳ vọng sẽ trình làng trong quý 1/2022. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, lịch phát hành của bộ đôi này gần như chắc chắn sẽ bị dời lại do những trục trặc trong nội bộ của Intel. Hiện tại đội Xanh dương đang cố gắng để đưa Arc Alchemist cùng với công nghệ XeSS lên kệ trong quý 2 năm nay.
Hiện tại Intel mới chỉ công bố một số tựa game chính có hỗ trợ XeSS như dưới đây:
1. Hitman 3
2. The Riftbreaker
3. Death Stranding: Director’s Cut
4. Grid Legends
5. Người siêu phàm
6. Grit
7. Dolmen
Tuy nhiên, Intel cũng đang tích cực làm việc với các đối tác để bổ sung thêm nhiều tựa game khác vào danh sách này trong tương lai. Trong số này có thể kể tới Techland (tựa game Dying Light 2), 505 Games (tựa game Control, Ghostrunner) và Ubisoft. Việc mở rộng mạng lưới game hỗ trợ cũng là một yếu tố sống còn đối với XeSS khi đã có rất nhiều tựa game hỗ trợ DLSS và FSR.
Với những gì có được ở thời điểm hiện tại, có thể nói đây là một sự kết hợp khá thú vị giữa DLSS của Nvidia và FSR của AMD. XeSS vừa có cơ chế hoạt động giống như DLSS với cốt lõi là công nghệ machine learning, vừa có khả năng tương thích đa dạng như FSR khi có thể kết hợp với nhiều dòng card đồ họa.
Tuy nhiên, hiệu năng thật sự của Intel XeSS vẫn chưa được kiểm chứng và công nghệ mới của Intel vẫn là một ẩn số cho tới ngày nó được chính thức ra mắt. Dù sao đi chăng nữa, với việc AMD và Intel cùng gia nhập cuộc đua nâng cấp hình ảnh, chắc chắn người dùng sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Hãy cùng chờ xem ông lớn nào sẽ là người giành được thế thượng phong trong cuộc đua tam mã này.
Đừng quên ghé thăm TNC News để cập nhật tin tức và những mẹo bổ ích về các sản phẩm công nghệ nhé!
Tin liên quan
Sản phẩm đã xem
Showroom: 172 Lê Thanh Nghị, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: (024) 36288790 / (086) 830.2123
Trung tâm bảo hành: 172 Lê Thanh Nghị, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: (098) 978 1468
Trụ sở (Không bán hàng): 11 Vũ Thạnh - Cát Linh - Đống Đa - Hà Nội
Tel: (086) 8302123
Fax: (024) 36288790