AMD đã khởi động năm 2022 với việc trình làng Ryzen 6000 và CPU chuyên gaming Rtzen 5800XX3D. Tuy nhiên, bộ vi xử lý thế hệ tiếp theo mới thực sự là quả bom tấn của đội Đỏ trong năm nay – Ryzen 7000. Dự kiến ra mắt vào cuối năm nay, Ryzen 7000 được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về kiến trúc cũng như tiến trình CPU.
Trong bài phát biểu tại Computex 2022, AMD đã xác nhận rằng Ryzen 7000 và bo mạch chủ AM5 sẽ được ra mắt vào mùa thu năm nay, dao động từ khoảng tháng 9 đến tháng 11. So với một vài dự đoán trước đó thì thời điểm ra mắt mà AMD công bố muộn hơn một chút. Tuy nhiên dù sao thì cả Ryzen 7000 và AM5 vẫn sẽ được trình làng trong Quý 3, thời gian mà các ông lớn công nghệ thường xuyên công bố những sản phẩm đình đám nhất.
Giá bán của Ryzen 7000 có lẽ vẫn sẽ tăng so với các dòng CPU trước đó. Tuy nhiên nhiều khả năng tân binh của AMD sẽ giữ giá giống như Ryzen 5000. Giá bán của Ryzen 5000 đã giữ tương đối ổn định trong suốt vòng đời của mình và chỉ giảm mạnh khi dòng Alder Lake của Intel ra mắt.
Để tham khảo thì dưới đây là giá của các sản phẩm dòng Ryzen 5000 tại thị trường Mỹ ở thời điểm hiện tại:
· Ryzen 5 5600X: $200
· Ryzen 7 5700X: $299
· Ryzen 7 5800X: $310
· Ryzen 7 5800X3D: $450
· Ryzen 9 5900X: $391
· Ryzen 9 5950X: $549
Đúng như tin đồn, Ryzen 7000 sẽ sử dụng kiến trúc Zen 4 mới, tiếp nối hệ kiến trúc Zen mà AMD đã duy trì từ thời Ryzen 1000. Zen 4 sẽ kế thừa và phát triển thiết kế chiplet của Zen 2, đồng thời được xây dựng trên tiến trình 5nm mới của TSMC.
Tiến trình 5nm hay N5 của TSMC được cho là sẽ giúp CPU cải thiện tốc độ lên 15% va có mật độ bóng bán dẫn cao hơn tới 1,8 lần so với N7. Điều này giúp N5 tiết kiệm hơn 30% điện năng tiêu thụ, qua đó cải thiện hiệu năng và tính kinh tế của CPU. Dĩ nhiên không thể áp những con số đó vào Zen 4 một cách máy móc, tuy nhiên chắc chắn việc áp dụng tiến trình 5nm sẽ giúp Zen 4 cải thiện đáng kể xung nhịp mà không làm tăng mức TDP.
AMD đã xác nhận mức điện năng tiêu thụ (TDP) tối đa của dòng chip mới là 170W và sẽ có những cải tổ lớn về mặt thiết kế. Mỗi chiplet 5nm sẽ có tối đa 8 nhân, mỗi nhân sẽ được trang bị bộ nhớ đệm kép L2 1MB. Đồng thời, mỗi die cũng sẽ có một die I/O 6nm với card đồ họa tích hợp Radeon RDNA 2 và bộ gia tốc AI.
Vẫn chưa rõ liệu Ryzen 7000 có sử dụng công nghệ 3D VCache được áp dụng cho dòng CPU 5800X3D hay không. Đến thời điểm hiện tại, AMD không cung cấp bất cứ thông tin nào về vấn đề này. Tuy nhiên có thể công nghệ 3D VCache sẽ được sử dụng cho các biến thế sau này sau khi những bản chính đã được ra mắt, giống như cách đội Đỏ đã từng áp dụng với dòng CPU Zen 3.
HIỆU NĂNG
Hiện tại rất khó để có thể đo lường chính xác hiệu năng của Ryzen 7000. Tuy nhiên ngay cả khi những điểm số được công bố thì chúng cũng chỉ mang tính chất tham khảo ở thời điểm hiện tại. AMD đã tuyên bố rằng Ryzen 7000 sẽ tăng 15% hiệu năng đơn luồng, và nếu điều này là sự thật thì CPU Zen 4 của AMD sẽ ăn đứt cả Zen 3 và đối thủ Alder Lake của Intel về hiệu năng.
Sự cải thiện về hiệu năng này xuất phát từ những thay đổi về kiến trúc cũng như xung nhịp của Ryzen 7000. Tại Computex 2022, AMD đã chạy thử game Ghostwire Tokyo với CPU Zen 4, kết quả con chip mới của AMD đạt xung nhịp lên tới 5,52 GHz, một sự cải thiện đáng kể so với con số 4,9 GHz mà 5950X có thể đạt được.
Với việc đẩy xung nhịp lên trên 5 GHz mà vẫn duy trì được mức TDP chỉ khoảng 170W sẽ là một thành tựu vượt bậc đối với AMD. Điều này có nghĩa là Ryzen 7000 không chỉ có hiệu năng gaming vượt trội so với những dòng Alder Lake của Intel mà còn tiết kiệm điện năng hơn nhiều. Đương nhiên, đối thủ cạnh tranh chính của AMD không phải là Alder Lake mà là Raptor Lake. Tuy nhiên chí ít thì tất cả đều phải thừa nhận rằng tiềm năng của Ryzen 7000 là rất lớn khi chỉ những sản phẩm mẫu cũng đã đem tới hiệu năng cực kỳ ấn tượng.
Với thế hệ CPU mới, AMD sẽ nói lời tạm biệt với socket AM4 đã gắn bó từ những thế hệ Ryzen đầu tiên. Thay vào đó, AM5 sẽ có nhiệm vụ tiếp bước chặng đường của phiên bản tiền nhiệm. Socket mới sẽ sử dụng thiết kế LGA1718 (Land Grid Array), với các chân CPU được gắn thẳng trên bo mạch chủ thay vì CPU. Intel đã sử dụng socket LGA trong vài thế hệ CPU gần đây, trong khi đó AMD vẫn sử dụng socket dạng cũ PGA (Pin Grid Array) cho dòng Ryzen 5000.
Giống như cái tên, LGA1718 sẽ có 1.718 chân trên bo mạch chủ, nhiều hơn hẳn so với con số 1.331 chân của AM4. Việc tăng số lượng chân cắm này sẽ giúp mở ra khả năng hỗ trợ DDR5 cũng như PCIe 5.0, qua đó cải thiện hiệu năng tổng thể.
Socket AM5 sẽ là một phần của thế hệ bo mạch chủ mới 600 series. Dòng bo mạch chủ X670E sẽ cung cấp VRM chất lượng cao nhất để ép xung cũng như hỗ trợ PCIe 5.0 trên mọi khe cắm M2 cũng như PCIe. Đồng thời, bo mạch chủ mới cũng sẽ hỗ trợ tối đa 24 làn PCIe 5.0, 14 cổng USB với tốc độ tối đa 20 Gbps, Wifi 6E cũng như Bluetooth 5.2. Thậm chí nhờ đồ họa tích hợp mới, AMD 600 series còn có thể hỗ trợ HDMI 2.1 hoặc DisplayPort 2.
Trước đây AMD thường xuyên phát hành trước các sản phẩm CPU chính và sau đó cho ra mắt các dòng APU được trang bị card đồ họa tích hợp. Tuy nhiên có vẻ như đội Đỏ đang có ý định loại bỏ tiền lệ này với dòng Ryzen 7000. Với việc trang bị GPU trên I/O die thay vì CPU chiplet như trước, AMD có thể sẽ không phải hy sinh bất cứ bộ phận nào để lấy không gian cho card đồ họa tích hợp. Vì vậy rất có thể tất cả các CPU thuộc dòng Ryzen 7000 sẽ đều có GPU tích hợp RDNA 2.
RNDA 2 cũng là kiến trúc mà AMD đang áp dụng cho các card đồ họa Radeon RX 6000 mới, cũng như Xbox Series và PlayStation 5. Vì vậy đây sẽ là kiến trúc lý tưởng cho các tác vụ gaming, kể cả khi CPU không có card đồ họa chuyên dụng.
Đừng quên ghé thăm TNC News để cập nhật tin tức và những mẹo bổ ích về các sản phẩm công nghệ nhé!
Tin liên quan
Sản phẩm đã xem
Showroom: 172 Lê Thanh Nghị, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: (024) 36288790 / (086) 830.2123
Trung tâm bảo hành: 172 Lê Thanh Nghị, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: (098) 978 1468
Trụ sở (Không bán hàng): 11 Vũ Thạnh - Cát Linh - Đống Đa - Hà Nội
Tel: (086) 8302123
Fax: (024) 36288790