Khủng hoảng chip bán dẫn đã khiến cho các nhà sản xuất buộc phải triển khai những phương án khác nhau để đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường. Nhưng đó cũng là lúc một vấn đề khác nảy sinh.
Một báo cáo mới từ Jon Peddie Research (JPR) đã cho thấy sự tăng trưởng rất mạnh của thị trường PC trong vài năm qua. Đồng thời, bản báo cáo cũng đưa ra một cảnh báo: nhu cầu cho các sản phẩm máy tính đang là rất lớn nhưng sẽ có xu hướng giảm dần. Điều này có nghĩa là nếu như các nhà sản xuất vẫn duy trì mức sản lượng như hiện tại thì trong tương lai số lượng chip thừa trên thị trường sẽ là rất nhiều.
Một khung cảnh chẳng khác nào phim viễn tưởng nếu so với những gì đang diễn ra ở hiện tại. Tuy nhiên, những con số thì không biết nói dối. Đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu về máy tính tăng vọt, đặc biệt là máy tính xách tay. Báo cáo của JPR đã chỉ ra rằng doanh số laptop đã tăng trưởng tới 49% trong năm qua, một con số vô tiền khoáng hậu. Chỉ trong Quý I/2021, đã có tới hơn 89 triệu lô laptop được xuất xưởng, đánh dấu mức tiêu thụ cao nhất từ trước tới nay.
Để giải quyết nhu cầu của thị trường, CEO của các hãng bán dẫn như Pat Gelsinger của Intel đã cam kết tăng sản lượng chip bán ra thị trường trong vài năm tới. Tuy nhiên theo nhận định của JPR, đây là một nước đi đầy mạo hiểm: “Rủi ro nằm ở chỗ các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn sẽ bị hút vào những phản ứng thái quá của thị trường và tin rằng đột nhiên có hàng trăm triệu người dùng mới và tốc độ tăng trưởng của PC sẽ không hề suy giảm.”
Nghiêm trọng hơn, việc bù đắp nguồn cung thiếu hụt không chỉ ảnh hưởng tới số lượng chip dự phòng mà sẽ tạo ra một hiệu ứng domino. Các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn khác như TSMC, Nvidia, AMD hay MediaTek đã liên tục phá đỉnh trên thị trường chứng khoán trong suốt năm 2020 và 2021. Intel dù tăng trưởng thấp hơn năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao, và gã khổng lồ xanh còn đang dồn lực để xây dựng một nhà máy mới tại Arizona, Mỹ.
Các nhà phân tích thị trường cho biết cổ phiếu của các hãng công nghệ này đang được định giá quá cao, một phần không nhỏ tới từ sự lên ngôi của tiền ảo. Tuy nhiên một khi bong bóng vỡ thì cũng là lúc thị trường cổ phiếu lao dốc, và điều này cũng không phải là chưa có tiền lệ. Vào năm 2014 và 2018, cổ phiếu của Nvidia đã “bay màu” tới 50% khi Bitcoin giảm giá và thị trường GPU trở nên bão hòa.
Sự kiện lần này có thể còn chứng kiến một mức thay đổi trên quy mô lớn hơn nữa. Năm 2018, cổ phiếu của Nvidia đã giảm từ 280 USD xuống còn 130 USD. Nhưng giờ đây, cổ phiếu của đội Xanh lá đang được định giá lên tới 700 USD. Tương tự, giá trị cổ phiếu của TSMC cũng đang đã tăng từ 45 USD hồi tháng 3 năm ngoái lên mức 120 USD ở thời điểm hiện tại.
Làn sóng tiền điện tử đã trở lại và còn mạnh mẽ hơn nhiều so với những lần trước, cộng hưởng với đại dịch khiến cho nhu cầu về máy tính nói chung tăng cao chưa từng có. Dĩ nhiên việc các nhà cung ứng đề ra giải pháp cấp bách để hạ nhiệt thị trường là điều rất cần thiết vào lúc này. Nhưng liệu đó có phải là hướng phát triển cho chuỗi cung ứng trong lâu dài? Sau khi vượt qua cơn sóng thần, điều gì sẽ chờ đợi chúng ta ở sau ngọn sóng?...
Đừng quên ghé thăm TNC News để cập nhật tin tức và những mẹo bổ ích về các sản phẩm công nghệ nhé!
Tin liên quan
Sản phẩm đã xem
Showroom: 172 Lê Thanh Nghị, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: (024) 36288790 / (086) 830.2123
Trung tâm bảo hành: 172 Lê Thanh Nghị, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: (098) 978 1468
Trụ sở (Không bán hàng): 11 Vũ Thạnh - Cát Linh - Đống Đa - Hà Nội
Tel: (086) 8302123
Fax: (024) 36288790