Tại sao vòng đời cập nhật của các sản phẩm sẽ không bao giờ dừng lại, và người dùng cá nhân sẽ có xu hướng mua hàng như thế nào ít nhất trong 1 năm tới trong bối cảnh dịch bệnh được dự đoán sẽ kéo dài?
Tại sao vòng đời cập nhật của các sản phẩm phần cứng hay phần mềm sẽ không bao giờ dừng lại?
Thực ra đây là một câu chuyện rất cũ rồi, cũ đến mức mà chúng ta nhìn nhận sự nâng cấp trong specs của các sản phẩm là một chuyện đương nhiên và thậm chí nếu như hãng nào đó tụt lại trong cuộc đua nâng cấp phần cứng thì chúng ta sẽ bày tỏ sự không hài lòng, ví dụ nhãn tiền là Intel và câu chuyện tiến trình trong một vài năm trở lại đây.
Vấn đề là ở đây là sau gần 20 năm tiếp xúc với máy tính, mình nhận ra rằng công nghệ là một ngành mà ở trong đó, khách hàng sẽ không bao giờ ngừng trả tiền cả. Chuyện trả tiền liên tục này có thể đến từ nhu cầu muốn liên tục được trải nghiệm, không muốn bị tụt lại so với thế giới, hoặc đơn giản là đáp ứng nhu cầu của bản thân.
Thực ra là ngành nào cũng như vậy cả, và trong thời buổi business lên ngôi như hiện nay, nếu tiêu 5000 đô vào một phần mềm như Photoshop thực tế ra là cũng chả sao. Các nhà sản xuất nắm được tâm lý đó, và như một lẽ đương nhiên, họ sẽ đáp ứng nhu cầu nâng cấp cơ bản của người dùng. Nếu người dùng không có nhu cầu nâng cấp phần cứng và phần mềm, các nhà sản xuất sẽ tạo ra nhu cầu đó. Đúng là như thế, và tại sao mình lại nói đến 5000 đô ở trên? Vì nếu anh em mua Photoshop từ năm 1990 và liên tục mua các bản cập nhật sau đó, đến giờ này anh em thực sự đã tiêu 5000 đô rồi.
Đó là cách để các nhà sản xuất sống được với business của họ, và 5000 đô này là một mức cũng thỏa đáng khi mà chia 5000 cho 30 năm thì thực tế chúng ta chỉ cần bỏ 167$/năm, tương đương 13$/tháng mà thôi. Vấn đề là các nhà sản xuất phần cứng và phần mềm luôn áp dụng một cách thức để chúng ta nâng cấp, đó là đưa những tính năng mới vào sản phẩm của họ. Ngày xưa thì Microsoft Word đơn giản là phần mềm xử lý văn bản, bây giờ nó hoàn toàn có thể đóng vai trò là một database hay một chương trình phục vụ web layout.
Theo Scientific American, để giữ người dùng ở lại với sản phẩm, các công ty cuối cùng sẽ phải đưa những tính năng mà rất ít người cần vào sản phẩm của họ. Nó dẫn đến một hệ quả là thực sự chúng ta ít khi dùng trọn vẹn 100% tính năng của một sản phẩm nào đó, và đối với khía cạnh cảm xúc, khi làm nghề dính đến phần mềm nhưng chỉ dùng nhiều một số tính năng nhất định, nhưng vẫn phải sử dụng nhiều phần mềm một lúc để bổ trợ cho nhau, chúng ta có một cảm giác rất đương nhiên, đấy là các phần mềm trong thời đại 4.0 như bây giờ là vừa quá thừa nhưng vẫn thiếu cho nhu cầu của chúng ta. Điều này tiếp tục tạo nên những nhu cầu nâng cấp qua thời gian, khi chúng ta luôn có một sự kỳ vọng về một phần mềm hay một phần cứng nào đó sẽ thỏa mãn nhu cầu trong hiện tại; nhưng rồi những nhu cầu mới vẫn luôn xuất hiện.
Quay trở lại với câu chuyện phần mềm, khi mà đã có quá nhiều tính năng được đặt vào trong một phần mềm, chắc chắn giao diện của nó sẽ phải được thiết kế lại để phù hợp với những tính năng mới đó; và một thiết kế mới tất nhiên cũng sẽ được quảng cáo như một tính năng mới. Thực tế ra thì chẳng ai ép chúng ta phải lên đời cả, nếu không thích thì chúng ta kệ để đấy thôi, dùng bản cũ cũng được mà. Thế là khái niệm “no longer supported” được ra đời, ví dụ như công ty làm phần mềm không chịu trách nhiệm hỗ trợ cho phiên bản đó nữa, hay phiên bản đó không thể chạy trên các hệ điều hành mới nữa. Chúng ta, vì thế, mà buộc phải mua các phiên bản phần mềm mới dù đang rất ưng các phiên bản có sẵn trong tay. Và tất nhiên, ở đây mình nói đến việc mua phần mềm chứ không nói đến crack nhé.
Thực tế thì bản thân chúng ta cũng rất thích có được cảm giác được bao quanh bởi những thứ chúng ta không thực sự cần. Điều đấy lý giải cho các cơn nghiện shopee, hay là nhu cầu update iPhone hàng năm chẳng hạn. Ví dụ như chúng ta đều không thể dùng hết hiệu năng của một chiếc iPhone chẳng hạn.
Tóm lại, đối với cả phần cứng và phần mềm, cả phía nhà sản xuất và phía người dùng đều muốn có những cái mới dù đó là những cái họ không thực sự cần, nhưng đó chính là bản chất của sự vận hành liên tục trong bản thân ngành công nghệ và rất nhiều ngành khác. Nếu cứ làm ra những sản phẩm như kiểu phích nước, tủ lạnh mà các hộ dân ở Việt Nam dùng được tới 20 30 năm, thì chắc các công ty công nghệ không thể sống được với việc phải nuôi một nguồn nhân lực trình độ cao và luôn được săn đón khi bước chân ra ngoài lãnh thổ của công ty. Thế nên ở đây chẳng phải lỗi của ai cả, cũng giống như với nền kinh tế, người dân không tiêu tiền thì không tạo ra dòng tiền, và nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dịch bệnh hay khan hàng đóng vai trò gì trong quá trình mua đồ công nghệ?
Thực ra đối với mình, đây thực sự là một dịp để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật là chúng ta đang thực sự cần cái gì đối với một sản phẩm công nghệ và công nghệ thực sự phục vụ chúng ta như thế nào trong bối cảnh work from home. Khi túi tiền của gần như tất cả mọi người bị bóp lại không ít thì nhiều, thực sự chúng ta sẽ chi tiêu một cách hợp lý hơn để cân đối với số tiết kiệm chúng ta có.
Điều này đã đẩy nhiều anh em làm start-up vừa và nhỏ vào cảnh sập tiệm vì không đáp ứng được nhu cầu cơ bản của một đời sống mới, nhưng cũng chắp cánh cho rất nhiều anh em start up đáp ứng được những nhu cầu của xã hội. Thế nên, khi đã thực sự biết nhu cầu hơn, mình nghĩ toàn bộ thị trường sẽ đi theo hướng build đúng hơn là build theo trend.
Build đúng ở đây là anh em hiểu được chính túi tiền của mình, nhu cầu của mình, là đào coin hay là chơi game, đồng thời anh em cũng sẽ hiểu hơn về việc mình sẵn sàng dùng thứ đồ này trong bao nhiêu năm, với cường độ sử dụng như thế nào, qua đó các quyết định mua sẽ chính xác hơn trước đây rất nhiều. Điều đó sẽ dẫn đến một cộng đồng lành mạnh, chịu khó trao đổi và ít toxic hơn, vì thực ra là ai cũng sẽ cần tham khảo trước khi mua hàng, kể cả có là người hiểu biết đi nữa.
Tin liên quan
Sản phẩm đã xem
Showroom: 172 Lê Thanh Nghị, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: (024) 36288790 / (086) 830.2123
Trung tâm bảo hành: 172 Lê Thanh Nghị, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: (098) 978 1468
Trụ sở (Không bán hàng): 11 Vũ Thạnh - Cát Linh - Đống Đa - Hà Nội
Tel: (086) 8302123
Fax: (024) 36288790